Có thể nói đi học lớp Một ở trường Tiểu học là bước ngoặt trong cuộc sống, là sự chuyển đổi qua một giai đoạn mới đối với trẻ. Việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp Một cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khi có tâm thế tốt, trẻ sẽ tự tin, mạnh dạn và học tập tốt ở các bậc học tiếp theo….
1. Lý do cần chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp Một
– Sự chuyển đổi hoạt động chủ đạo của trẻ: Tại trường mầm non, hoạt động chủ yếu của trẻ là vui chơi “học bằng chơi, chơi mà học”, trẻ hoạt động thoải mái, không bắt buộc, gò bó; từ hoạt động vui chơi hình thành ở trẻ những kỹ năng, phẩm chất theo đặc trưng lứa tuổi… Tuy nhiên, khi bước vào lớp Một “học” là hoạt động chủ đạo.Việc học là bắt buộc, được tổ chức chặt chẽ, có mục đích, có kế hoạch và có ý nghĩa xã hội.Mỗi học sinh phải cố gắng, tự giác và có tinh thần học tập mới có thể đạt được kết quả tốt.
– Sự thay đổi mối quan hệ của trẻ với giáo viên trong nhà trường: Tại trường mầm non, trẻ được cô chăm sóc chu đáo, quan hệ giáo viên với trẻ mang tính chất mẹ – con. Khi vào học lớp Một, quan hệ giữa giáo viên với trẻ mang tính chất thầy – trò; trẻ phải tuân theo các yêu cầu và quy tắc sinh hoạt của nhà trường. Đồng thời, tại trường mầm non trẻ lớp 5 tuổi lớn nhất trong các khối lớp nhưng khi vào trường tiểu học, khốiMột là khối nhỏ nhất trong trường dễ dẫn đến tâm lý lo lắng, nhút nhát, rụt rè…
– Tầm quan trọng trong việc chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp Một: Việc chuẩn bị về mặt tâm lý là một tiền đề cần thiết, quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại, sự tự tin hay lo sợ ở trẻ, nếu chưa được chuẩn bị đầy đủ dễ dẫn trẻ đến nguy cơ thất bại, chán học, sợ đi học. Ngược lại, nếu trẻ được chuẩn bị các điều kiện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kĩ năng xã hội và tâm thế, trẻ sẽ dễ dàng thích ứng với những điều kiện mới của môi trường học tập ở trường phổ thông.
2. Nguyên tắc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ 5 tuổi vào lớp Một
– Không dạy trước chương trình lớp Một: Chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp Một không phải dạy trước cho trẻ biết đọc, biết viết và toán lớp Một. Việc dạy trước chương trình không phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ dưới 6 tuổi khiến trẻ mệt mỏi, mất hứng thú học tập, đồng thời dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, chểnh mảng khi vào học lớp Một.
– Chuẩn bị toàn diện: Chuẩn bị về các phương diện thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội vàmột số năng lực tính cách chuyên biệt để chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một.
– Thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non, lấy trẻ làm trung tâm trong việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một: Mục tiêu chương trình giáo dục mầm non giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách.Việc thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non, tạo nhiều cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, giúpnuôi dưỡng hứng thú, sự chủ động, sáng tạo, các khả năng suy luận, quan sát, nhận xét, biểu đạt, phát huy tính chủ động và sáng tạo của trẻ. Tuy nhiên, việc lấy trẻ làm trung tâm gắn liền với việc lựa chọn nội dung, cách thức tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ nghĩa là nội dung phải phù hợp với nhu cầu, hứng thú, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, khám phá và sáng tạo ở độ tuổi và mức độ phát triển của từng cá nhân trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được học bằng nhiều cách, đặc biệt thông qua hoạt động chơi.
– Phối hợp thống nhất giữa nhà trường và gia đình: Nhà trường và giáo viên giúp cha mẹ trẻ hiểu biết đúng đắn việc chuẩn bị cho trẻ những điều kiện về thể chất, tâm thế và các kỹ năng cần thiết để trẻ sẵn sàng đi học lớp Một.
3.Vai trò, trách nhiệm của giáo viên và nhà trường trong công tác chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ 5 tuổi vào lớp Một:
– Chuẩn bị cho trẻ thích ứng với cuộc sống ở trường Tiểu học về: Chế độ sinh hoạt, hành vi văn hóa và chuẩn bị cho trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Chuẩn bị cho trẻ thích ứng với hoạt động học tập và giúp trẻ hiểu biết về môi trường gần gũi xung quanh (đời sống xã hội và thế giới tự nhiên).
– Hướng dẫn chuẩn bị cho trẻ thích ứng với cuộc sống ở trường tiểu học: Tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệmnhư đóng vai theo chủ đềtrường Tiểu học; tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động đông người,hun đúc dần ở trẻ ý thức tập thể, ý thức cộng đồng. Tạo cho trẻ nhiều cơ hội giao tiếp với những người xung quanh (kể chuyện cho trẻ nghe và khuyến khích trẻ kể chuyện, lắng nghe người khác trong giao tiếp). Tổ chức trong các hoạt động nghệ thuật mà trẻ yêu thích như hoạt động tạo hình, múa hát, đọc thơ, kể chuyện,… mang đậm màu sắc của trường Tiểu học.
– Hướng dẫn chuẩn bị cho trẻ thích ứng với hoạt động học tập:Giáo viêntổ chức các “tiết học” để giúp trẻ hình thành các kỹ năng sử dụng sách vở, bút, cặp,… làm quen với những thao tác “đọc và viết” như biết cầm sách đúng, biết “đọc” từ trên xuống, từ trái sang phải; hướng dẫn trẻ biết sử dụng kí hiệu gần giống với chữ viết tức là “tiền chữ viết” để ký tên hay ghi lại bài thơ trẻ thích, hình thành động cơ đi học cho trẻ.Hình thành ở trẻ các chức năng tâm lý cần thiết của người học sinh bằng cách giao nhiệm vụ vừa sức, tạo tình huống để trẻ tư duy, biết so sánh, lập luận…
– Giúp cha mẹ hiểu biết đúng đắn việc chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp Một. Tạo sự phối hợp thống nhất giữa nhà trường và gia đình nhằm chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng đi học Tiểu học có hiệu quả nhất.
Hình ảnh trẻ mẫu giáo 5 tuổi tham quan Trường tiểu học
4. Với cha mẹ trẻ
Để chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một, cha mẹ trẻ nên:
– Khơi gợi ở trẻ sự háo hức được đi học: Kích thích trí tò mò, ham hiểu biết những điều quan trọng trong tự nhiên và xã hội, dạy trẻ cách quan sát so sánh các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Cha mẹ trả lời các câu hỏi trẻ đặt ra, cho trẻ đến thăm quan trường Tiểu học.
– Tập cho trẻ sử dụng thành thạo tiếng Việt: Nói rõ ràng, không nói ngọng, tập ghi nhớ các bài hát, bài thơ, ca dao,để trẻ tự kể lại, hát lại…
– Rèn cho trẻ tính kiềm chế và tự tin vào bản thân.
– Luyện vận động đôi tay: Tập cài cúc, nặn, vẽ và tập cho trẻ biết sử dụng đồ dùng học tập (cặp sách, sách, vở, bút chì, tô màu…).
– Dạy trẻ biết lễ phép với người lớn (chào hỏi), biết giúp đỡ cha mẹ làm một số việc đơn giản...
Việc chuẩn bị cho trẻ đi học lớp Một ở trường Tiểu học là chuẩn bị những tiền đề cần thiết, tạo cơ hội giúp trẻ đạt mức độ cao sẵn sàng đến trường về mọi phương diện: Thể lực, trí tuệ, tình cảm, giao tiếp và ứng xử xã hội, tâm thế… để trẻ thích nghi với hoạt động học tập và cuộc sống tại môi trường giáo dục phổ thông, không phải là dạy trước chương trình lớp Một cho trẻ. Việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ là nhiệm vụ của giáo viên, nhà trường và gia đình, song không nên yêu cầu trẻ như một học sinh Tiểu học thực thụ ngay khi còn ở tuổi mẫu giáo mà cần đảm bảo cho trẻ sống đúng với lứa tuổi của mình, hồn nhiên vui tươi, háo hức mong chờ bước vào lớp Một./.
Nguồn: Trường MN Tân Công Chí