Tại sao trẻ luôn nghe lời cô giáo mầm non hơn cha mẹ? Mỗi buổi chiều đón bé ở trường mầm non, gương mặt của các bà mẹ thường thất thần hỏi: “Con hôm nay có ngoan không cô”. Ngược lại với thái độ của mẹ, là vẻ mặt tươi cười của cô: “Con ngoan lắm, ăn hết suất ăn trưa đó ạ”. Rồi từ nghi ngờ đến ngạc nhiên mẹ nói: “Sao ở nhà con quấy nhiễu và không ăn gì hết cả?”.
Câu nói này có cha mẹ nào nghe thấy quen không? Bậc làm cha mẹ chúng ta lúc nào cũng tự hỏi: “Tại sao con đến trường mầm non ngoan ngoãn thế mà về nhà lại khác hẳn? Tại sao con luôn nghe lời cô mà không nghe lời cha mẹ? Tại sao cứ nhắc đến cô là con nghe lời răm rắp trong khi cha mẹ dùng đủ lời nịnh nọt lẫn roi vọt mà không có tác dụng?
Những em bé lên 3 lên 5 của chúng ta đã hiểu được rằng chúng có thể hoàn toàn tự do khi ở nhà với tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ. Dựa vào đó, chúng có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn. Khi không muốn ăn cơm, chúng sẽ tìm đủ mọi lý do hoặc gây ra nhiều hành động thể hiện thái độ như nôn chớ, nằm sõng soài, vừa ăn vừa xem tivi,…
Dù mẹ ra sức nấu những món thật ngon nhưng không thể nào dụ dỗ được bé. Thật quá khó khăn khi chúng ta muốn ép chúng ngủ trưa. Khi không muốn ngủ chúng sẽ tìm mọi cách để “phá đám” như liên tục đi vệ sinh, tự nói chuyện 1 mình hoặc chạy nhảy khắp nhà.
Mẹ có muốn nằm chợp mắt một chút là điều không thể. Và chúng ta nổi cáu, quát tháo, thậm chí dùng đến roi vọt. Nhưng bạn thấy không, tất cả là không có tác dụng gì cả với một đứa bé đang dư năng lượng. Chúng thật “phiền toái” phải không?
Chúng hiểu rằng, trong ngôi nhà của mình, đối diện với ba mẹ là một nơi trú ẩn an toàn, hoàn toàn vô điều kiện, chúng đạt được mọi yêu sách mà chúng muốn. Nói như vậy không có nghĩa là ở trường mầm non chúng không được các cô yêu thương.
Ở trường mầm non, sự quan tâm chăm sóc bé luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng đồng nghĩa với điều đó là sự hiện hàn của kỷ luật, khuôn phép. Trẻ mầm non muốn làm gì phải xin phép cô. Đến giờ ăn, trẻ mầm non ngoan ngoãn ngồi vào bàn ăn. Đến giờ ngủ phải giữ trật tự để không làm ảnh hưởng đến ai. Đến giờ học phải nghiêm túc tuân theo sự hướng dẫn của cô.
Những quy định của lớp học đều bắt buộc mọi thành viên phải tuân theo. Nếu vi phạm, thành viên đó buộc phải chịu trách nhiệm cho việc mình làm.
Chỉ có kỷ luật mới làm mọi thứ được trật tự, nề nếp. Vì thế mới có chuyện hiển nhiên là: một bà mẹ cảm thấy kiệt sức vì trông hai đứa con nhưng mỗi ngày, hai cô giáo phải chăm non 20-30 đứa trẻ mà vẫn đảm bảo sự chu đáo.
Tại sao con không nghe lời cha mẹ mà lại nghe lời cô? Bạn có bị thuyết phục bởi lời giải thích này không? Nếu không, có thể bạn cần xem lại một số yếu tố khiến trẻ không chịu nghe lời nhé.
Nguồn: Trường MN Tân Công Chí